TOÀN CẢNH CAO TỐC VÂN ĐỒN - MÓNG CÁI DÀI NHẤT VIỆT NAM TRƯỚC NGÀY KHÁNH THÀNH

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khi đưa vào sử dụng không chỉ thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh, mà còn góp phần quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh cả nước, đặc biệt là các hoạt động logistics, vận tải hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Đây cũng là mảnh ghép cuối cùng hoàn chỉnh chuỗi cao tốc của khu vực phía Bắc từ tỉnh Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Vân Đồn – Móng Cái.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) có chiều dài toàn tuyến gần 80km, điểm đầu nằm gần sân bay quốc tế Vân Đồn, điểm cuối đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân 2 (TP Móng Cái). Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án gần 13 nghìn tỷ đồng. 

Sau hơn hai năm thi công, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cơ bản hoàn thiện. Hệ thống hộ lan và tấm lưới chống chói, giải phân cách cũng đã lắp ráp xong và đang trong khâu kiểm tra kỹ thuật; việc sơn vạch kẻ đường cũng sẽ hoàn thành trong những ngày cuối tháng 8/2022. Theo đánh giá từ các chuyên gia ngành giao thông vận tải, đây là tuyến đường đặc biệt về cảnh quan tự nhiên khi kết hợp hài hòa với rừng và biển.

Chùm ảnh ghi nhận tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái trước ngày đưa vào khai thác:

Ngày 1/9/2022, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dự kiến thông xe. Tuyến cao tốc này sẽ kết nối với cao tốc Tiên Yên - Móng Cái, Vân Đồn - Tiên Yên, cầu Bạch Đằng - Đại Yên và Hạ Long - Vân Đồn, tạo thành toàn tuyến cao tốc dài 176km, chạy dọc tỉnh Quảng Ninh.

Nếu di chuyển từ Hà Nội đến Móng Cái theo cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tổng quãng đường sẽ gần 300km.

Đây là dự án thứ ba trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền triển khai đầu tư, xây dựng.

So với kế hoạch, tiến độ thi công có bị chậm. Nguyên nhân chính là do thời tiết bất lợi, số lượng ngày mưa trung bình chiếm 60% thời gian thi công, ảnh hưởng rất lớn tới việc thảm nhựa mặt đường.

Bên cạnh đó, theo UBND tỉnh Quảng Ninh, cao tốc trải qua 25 tháng thi công trong điều kiện khó khăn, nhất là phải thi công trên biển; thi công trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, phải giãn cách xã hội.

Vượt lên những khó khăn, chủ đầu tư và các nhà thầu đang nỗ lực tập trung cho giai đoạn nước rút.

Các công việc còn lại chủ yếu tập trung vào lớp bê tông nhựa tạo nhám mặt đường và hoàn thiện các hạng mục khác như hệ thống biển báo, hệ thống thu phí, kẻ sơn vạch đường...

Tính đến ngày 24/8, những mét thảm Novachip trên 5km cuối cùng đã được nhà thầu hoàn tất.

Toàn tuyến có 2 nút giao với huyện Đầm Hà và Hải Hà. Các nút giao này đấu nối với đầu tuyến vào khu công nghiệp, cảng biển Hải Hà và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh vê thủy sản tại Đầm Hà.

Điểm nổi bật nhất của tuyến cao tốc này chính là cầu vượt biển Vân Tiên dài 1.515m, rộng 25,5m, độ sâu 19m. Việc thi công cầu vượt này trong 330 ngày đêm (11 tháng) đã lập kỷ lục mới về thi công cầu vượt biển dài nhất tỉnh Quảng Ninh.

Tuy nhiên, người dân tỏ ra lo ngại khi dọc tuyến cao tốc hơn 80km này không có trạm xăng và cũng không có đặt trạm dừng nghỉ.

Theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN5729:2012, dọc cao tốc phải xây dựng các cơ sở phục vụ cho mọi đối tượng sử dụng đường. Trong khoảng 50 - 60km cần có một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường (có khả năng cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn); cứ khoảng 100-200km cần bố trí một trạm phục vụ lớn.

Nhiều người do hiếu kỳ đã lái xe lên tuyến cao tốc, nhưng khi đến các trạm soát vé và kiểm tra an ninh, lực lượng bảo vệ đã kiên quyết không cho xe qua, và yêu cầu quay đầu.

Việc thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ đối với đường ô tô cao tốc Tiên Yên - Móng Cái được thực hiện theo phương thức thu phí không dừng (ETC).

Ngoài hệ thống camera tại các trạm thu phí, dọc tuyến có 66 camera CCTV có thể quan sát và nhìn rõ các vật thể ở khoảng cách 1km.

Trạm thu phí Tiên Yên cơ bản hoàn thành các hạng mục kỹ thuật. Lái xe chỉ phải trả phí 65km đường cao tốc.

Mức phí trên là do tỉnh Quảng Ninh đã tách cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thành hai dự án độc lập, gồm Vân Đồn - Tiên Yên triển khai đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và Tiên Yên - Móng Cái đầu tư theo hình thức BOT.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ kết nối đồng bộ với cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam (gần 600km).

Đây cũng là tuyến cao tốc ven biển duy nhất kết nối trực tiếp, đồng bộ tới cả ba khu kinh tế là Quảng Yên - Vân Đồn và cửa khẩu Móng Cái.

Nút giao cuối tuyến nối với Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã hoàn thành thi công. Ngay sau lễ thông xe vào 1/9 tới đây, Quảng Ninh là tỉnh có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước với 176km.

Theo Báo Tin Tức