THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH PHÁT TRIỂN LOGISTICS THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN

UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định mục tiêu đẩy mạnh phát triển, đưa logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn, tỷ lệ đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố đến năm 2025 đạt 10%, đến năm 2030 đạt 12%.

Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn. Trong ảnh: Cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh) có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước.

Còn nhiều bất cập

Chia sẻ về ngành dịch vụ logistics của thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, Giám đốc Công ty Vận tải Minh Liên (quận Bình Thạnh) Đỗ Xuân Phú cho rằng, hoạt động logistics chủ yếu tập trung tại khâu vận chuyển hàng hóa tại cảng, trong đó, vận tải đường bộ vẫn là phương thức chính. Tuy nhiên, đường bộ thường xuyên diễn ra kẹt xe, hệ thống hạ tầng chưa hoàn chỉnh và thiếu tính kết nối; đường hàng không và đường thủy chưa được đầu tư đúng mức…

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh Bùi Văn Quản, dịch vụ vận tải đường bộ được cung cấp bởi hàng trăm doanh nghiệp phần lớn có quy mô vừa và nhỏ đã gây ra nhiều bất cập, như: Cạnh tranh không lành mạnh, tổ chức vận tải chưa hợp lý… Thực tế này đã đẩy chi phí dịch vụ logistics lên cao, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông đi trước một bước sẽ là đòn bẩy giúp ngành dịch vụ logistics thành phố phát triển. Theo đó, thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra các nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng logistics. Cụ thể, trong 10 năm tới, số tiền đầu tư riêng cho hạ tầng logistics tại thành phố Hồ Chí Minh cần tối thiểu 86.300 tỷ đồng. Cộng chi phí cho công nghệ thông tin và nhân lực thì đến năm 2030, thành phố cần 90.000-96.000 tỷ đồng. Thành phố ưu tiên phát triển các hạ tầng về giao thông, đầu tư thêm 5 tuyến đường sắt mới từ thành phố đi các tỉnh, thành phố phía Nam và ra Bắc, đồng thời khép kín các tuyến đường vành đai. Tập trung cải tạo, nâng cấp các luồng sông để bảo đảm hoạt động của tàu thuyền ra vào các cảng...

Phát triển 7 trung tâm logistics

Theo Đề án phát triển ngành dịch vụ logistics, thành phố Hồ Chí Minh xác định, thành lập hệ thống trung tâm dịch vụ logistics ở thành phố Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè. Đồng thời, căn cứ vào nhu cầu của sản xuất, lưu thông hàng hóa trong khu vực và xuất nhập khẩu, trên cơ sở rà soát nguồn quỹ đất, xác định 7 vị trí thành lập các hệ thống trung tâm logistics. Cụ thể gồm: Long Bình, Cát Lái, Linh Trung, khu công nghệ cao thuộc thành phố Thủ Đức; Tân Kiên (huyện Bình Chánh); cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và huyện Củ Chi.

Để logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn, PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh cần hình thành và phát triển trung tâm đào tạo nguồn nhân lực logistics cho toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hướng tới tính liên kết vùng trong đào tạo và chia sẻ nguồn lực trình độ cao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển nhà cung cấp dịch vụ logistics; hoàn thiện các cam kết chính sách ưu đãi cho logistics…

Theo Sở Công Thương thành phố, logistics trên địa bàn thành phố giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; giúp vận chuyển toàn bộ hàng hóa lưu thông giữa các tỉnh, thành phố qua địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, phân phối hàng hóa cho trên 10 triệu người dân thành phố và kết nối hai chiều xuất khẩu - nhập khẩu hàng hóa.

Do đó, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giai đoạn tới, thành phố sẽ đẩy mạnh đào tạo nghề về logistics, chú trọng kỹ năng nghề. Định hướng đào tạo kỹ năng nghề theo dự báo về nhu cầu trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 để đẩy mạnh đào tạo nghề về logistics, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa. Song song đó, chủ động tháo gỡ khó khăn trước mắt của các doanh nghiệp vận chuyển, qua đó tháo gỡ khó khăn chung cho ngành dịch vụ logistics; chú trọng đơn giản hóa thủ tục đối với hàng hóa đi qua 7 trung tâm logistics.

“Phát triển logistics cần sự góp sức của tổng hợp các yếu tố, như: Cải thiện hạ tầng giao thông; xây dựng các trung tâm logistics hoạt động chuyên nghiệp; ưu đãi đầu tư, thuế, nhiên liệu... Do đó, để tạo đột phá trong thời gian tới, thành phố sẽ đặc biệt chú trọng đến sự phối hợp giữa các sở, ngành”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.

Théo Báo Hà Nội mới