Với giả định Chính phủ sẽ từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách từ tháng 10/2021, và hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục, các chuyên gia phân tích BSC đã đưa ra đánh giá về các nhóm ngành sẽ được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp sau đại dịch Covid-19.
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán BSC cho biết, theo nghiên cứu 166 quốc gia của Elgin, các chính phủ đều kết hợp linh hoạt giữa các chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, các quốc gia có thu nhập càng cao thì quy mô và tỷ trọng gói kích thích gồm cả tài khoá và tiền tệ so với GDP lại càng lớn.
Cụ thể, trung bình các quốc gia phát triển chi hơn 25% GDP cho các gói hỗ trợ để giúp nền kinh tế vượt qua đại dịch. Trong khi đó, quy mô các gói hỗ trợ ở khu vực Đông Nam Á có phần nhỏ hơn, với mức trung bình khoảng 15% GDP.
Do đó, với quy mô các gói hỗ trợ kích thích kinh tế của Việt Nam ước tính khoảng 4% GDP, các chuyên gia phân tích của BSC cho rằng, dư địa để Việt Nam có thể có các gói hỗ trợ lớn hơn vẫn còn rất nhiều.
Báo cáo BSC kỳ vọng, các gói hỗ trợ trong tương lai của Chính phủ có thể giải quyết các khó khăn của cả người dân lẫn doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Từ đó, tạo nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trở lại.
Với giả định Chính phủ sẽ từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách từ tháng 10/2021, và hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục, các chuyên gia phân tích BSC đã đưa ra đánh giá về các nhóm ngành sẽ được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp.
Các nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp (màu xanh) và gián tiếp (màu vàng) khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Nguồn: BSC
Theo đó, 6 nhóm ngành sẽ hưởng lợi trực tiếp khi nền kinh tế hồi phục sau dịch Covid-19 bao gồm: bất động sản, vật liệu xây dựng, xuất nhập khẩu, hàng không, bán lẻ và sản xuất.
Đối với nhóm ngành bất động sản nói chung, BSC lạc quan trong giai đoạn cuối năm 2021 nhờ điểm rơi lợi nhuận thường nằm ở quý 3 và 4. Các doanh nghiệp chủ động đẩy mạnh triển khai bán hàng trong quý cuối năm thông qua nhiều hình thức trực tuyến và trực tiếp. Ngoài ra, môi trường lãi suất thấp và các gói tài chính linh hoạt sẽ là đòn bẩy hỗ trợ cho việc phục hồi của ngành.
Các nhóm ngành sản xuất, xuất nhập khẩu cũng được đánh giá cao về triển vọng trong nửa cuối 2021. Kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm đạt mức 18,47 tỷ USD tăng 19% so với cùng kỳ. Trong quý 2/2021, phần lớn các doanh nghiệp dệt may ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan nhờ vào mức nền thấp của năm 2020 và giá trị đơn hàng truyền thống đã được lấp đầy kể từ đầu năm.
Đối với ngành thép, giá nguyên liệu thô đang đứng trước nhiều yếu tố bất ngờ. Theo quan điểm của chuyên gia phân tích BSC, giá quặng sẽ giảm dần về cuối năm trong khi giá than nhiều khả năng sẽ hồi phục nhẹ. BSC đánh giá áp lực giảm đối với giá bán các sản phẩm thép đầu ra thấp do nhu cầu hồi phục tốt và diễn biến giá nguyên liệu bù trừ lẫn nhau.
Các doanh nghiệp sản xuất như dầu khí - phân bón cũng được đánh giá khả quan nhờ giá dầu phục hồi mạnh từ đầu năm 2021 và đã vượt mốc 70 USD/thùng kể từ tháng 6/2021. Thêm vào đó, việc OPEC+ thống nhất tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày đến hết tháng 12 năm nay được cho là sẽ giúp kiểm soát giá dầu giai đoạn cuối năm.
Đối với các nhóm ngành sẽ được hưởng lợi gián tiếp khi nền kinh tế phục hồi, BSC đánh giá, bất động sản khu công nghiệp, ngân hàng, năng lượng – tiện ích, dịch vụ tài chính, dầu khí và vận tải sẽ là 6 nhóm ngành chính được hưởng lợi.
Trong lĩnh vực vận tải, báo cáo BSC cho biết, triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp trong ngành, cụ thể là cảng biển, sẽ có sự phân hoá. Trong đó, sự tăng trưởng cao chủ yếu ở các doanh nghiệp khai thác ở hai cụm cảng nước sâu là Lạch Huyện và Cái Mép – Thị Vải.
Đối với nhóm ngành năng lượng, BSC đánh giá, sản lượng điện sản xuất tại khu vực phía Nam đang dần hồi phục nhờ hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp bình ổn trở lại sau khi ngăn chặn được dịch bệnh.
Theo Nhịp sống kinh tế