KHỦNG HOẢNG VẬN TẢI GÂY LẠM PHÁT TOÀN CẦU SẼ KÉO DÀI ĐẾN 2023

Một cuộc khủng hoảng vận chuyển trên toàn cầu có vẻ sẽ còn tiếp diễn, không chỉ làm trì trệ hoạt động lưu thông hàng hóa mà còn thúc đẩy lạm phát tăng cao, dự kiến tới tận năm 2023.

Vận chuyển hàng hóa khó khăn đã trở thành nỗi đau đầu của các nhà kinh tế bởi gây lạm phát quá nóng. Bên cạnh vấn đề vận chuyển, các doanh nghiệp ngày càng lo lắng về nguyên liệu và chi phí lao động. Thậm chí nỗi lo về chi phí có thể sắp vượt qua cả nỗi lo về logistics.

Theo chỉ số Freightos FBX, chi phí vận chuyển một đơn vị container 40 feet (FEU) đã giảm khoảng 15% so với mức cao kỷ lục trên 11.000 USD chạm tới hồi tháng 9. Nhưng trước đại dịch, chi phí cho cùng một thùng hàng đó chỉ là 1.300 USD.

Với 90% hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển, chi phí quá cao nguy cơ làm trầm trọng thêm lạm phát toàn cầu - vốn đang ngày càng rắc rối hơn nhiều so với dự đoán.

Peter Sand, nhà phân tích trưởng của hãng tư vấn vận tải biển Xeneta, khẳng định không có hy vọng chi phí vận chuyển container sẽ bình thường trở lại trước năm 2023.

Theo ông Sand: "Điều đó có nghĩa là chi phí logistics tăng không phải là hiện tượng nhất thời", và "Đối với lạm phát, điều đó có nghĩa là rắc rối ... Yếu tố vận chuyển, trong giá cả tổng thể, dù nhỏ nhưng đã, đang và có thể sẽ còn tiếp tục lớn hơn nhiều so với trước đây, thậm chí có thể hình thành mặt bằng giá mới vĩnh viễn từ nay về sau."

Chi phí vận tải đường biển ban đầu tăng vọt sau khi kênh Suez bị tắc nghẽn kéo dài 6 ngày vào tháng 3 gây ra tình ùn ứ trên toàn thế giới. Thị trường thuê tàu vốn đã bị thắt chặt càng trở nên căng thẳng do sự không chắc chắn về những quy định về sử dụng nhiên liệu và khí thải trong tương, khiến các đơn đặt hàng đóng tàu mới giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Sau đó, nhu cầu hàng hóa của người tiêu dùng tăng vọt trong bối cảnh khắp nơi trên thế giới thực hiện các biện pháp giãn cách / phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan virus Covid-19, trong khi các xưởng đóng tàu chật vật khó khăn vì tình trạng thiếu lao động liên quan đến Covid-19.

 Các nhà phân tích của ngân hàng Berenberg hồi đầu tháng 11 ước tính khoảng 11% khối lượng container chở đầy hàng hóa trên toàn cầu bị tắc nghẽn ở ở các cảng biển hoặc trên đường đi, giảm so với mức cao điểm hồi tháng 8, song vẫn cao hơn rất nhiều so với mức 7% trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Rắc rối sẽ còn kéo dài đến 2023

Vào cuối tháng 10/2021, tại Los Angeles / Long Beach, một trong những cảng container lớn nhất thế giới, các con tàu mất thời gian gấp đôi so với trước khi đại dịch để có thể được bốc dỡ / bốc xếp hàng và ra khỏi cảng, theo ước tính của RBC Capital Markets.

Mặc dù giai đoạn tồi tệ nhất có thể đã qua, nhưng nhà phân tích Michael Tran của RBC cho rằng trong vài năm tới, giá vận chuyển hàng hóa sẽ chưa thể quay trở lại mức như trước đại dịch. Theo đó, ngay cả khi kế hoạch dỡ thêm 3.500 container mỗi tuần được thực hiện, thì sự ách tắc ở Los Angeles / Long Beach khó có thể giải quyết xong trước năm 2023.

"Giá vận tải giảm vào cuối tháng 9 là một tia sáng sớm lụi tàn. Những gì chún tôi thấy từ góc độ dữ liệu tổng thể là mọi thứ trên thực tế chưa hề tốt lên."


Cước vận chuyển container vẫn ở mức gần cao nhất trong lịch sử.

Một báo cáo của Liên hợp quốc vào tháng trước cho biết giá cước vận tải cao đang đe dọa sự phục hồi toàn cầu, cho rằng cước vận tải cao có thể khiến chi phí nhập khẩu trên toàn cầu tăng 11%, và làm giá tiêu dùng tăng thêm 1,5% từ nay đến năm 2023.

Ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở đó. Cước vận tải container tăng 10% khiến sản lượng công nghiệp của Mỹ và Châu Âu mất đi hơn 1%.

Giá hàng hóa trở nên ‘méo mó’ 

Liên Hiệp Quốc lưu ý rằng sau khi cộng cước vận tải, giá những mặt hàng giá thành rẻ hơn sẽ bị tăng nhiều hơn so với những mặt hàng giá đắt hơn, và những nước nghèo vốn sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp, như đồ nội thất hay hàng dệt may, sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều tới khả năng cạnh tranh.

Ben May, người phụ trách bộ phận nghiên cứu vĩ mô của Oxford Economics, cho biết giá bán lẻ một chiếc tủ lạnh chất lượng thấp sẽ tăng 24%, trong khi một chiếc tủ lạnh có thương hiệu và đắt tiền hơn sẽ tăng khoảng 6,5%. "Các công ty có thể dừng xuất khẩu những chiếc tủ lạnh gí rất rẻ, bởi họ không có lãi từ những sản phẩm đó", ông May nói.

Tình trạng ‘bùng nổ’ cước vận chuyển dự kiến sẽ giảm bớt khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, cho phép mọi người chi tiêu vào các hoạt động đi lại và ăn uống hơn là quần áo hoặc đồ dùng. Nhưng lý thuyết đó đang bị thách thức bởi các biến thể mới của virus Covid-19 và số tiền tiết kiệm của người tiêu dùng tăng vọt trong giai đoạn đại dịch, khiến cho mọi người có thể cần mua nhiều hàng hóa hơn nữa.

Trong mùa thu nhập vừa qua, hãng sản xuất bánh mì Hasbro, nhà bán lẻ Dollar Tree và hãng hàng tiêu dùng khổng lồ Nestle nằm trong số các công ty than phiền về chi phí vận chuyển hàng hóa tăng vọt và đã quyết định phải tăng giá.

Với tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh số bán hàng ở Mỹ hiện gần mức thấp kỷ lục, các doanh nghiệp cũng sẽ cần phải bổ sung thêm lượng hàng dự trữ.

"Điều này sẽ hỗ trợ nhu cầu hàng hóa trong nửa đầu năm tới", các nhà phân tích của Unicredit cho biết.


Hàng hóa tồn kho ở Mỹ hiện thấp kỷ lục.

James Gellert, Giám đốc điều hành của công ty phân tích RapidRatings, cho biết: "Những quả bom hẹn giờ này ‘xuyên thủng’ chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn và sẽ gây ra nhiều vấn đề cho những khách hàng tin cậy đối với hàng hóa và dịch vụ của họ", "Tình hình chỉ có thể cải thiện vào mùa xuân tới".

Đơn đặt hàng đóng tàu đã tăng đáng kể trong năm nay. Nhà kinh tế cấp cao Rico Luman của ING dự đoán phải mất ba năm để chế tạo và chuyển giao một chiếc tàu, và như vậy thì phải đến năm 2024 những chiếc tàu năm nay đặt mua mới có thể hạ thủy.


Đơn đặt hàng đóng tàu mới tăng mạnh trong năm nay.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị