BỘ TRƯỞNG NGUYỄN VĂN THỂ: SẼ CÓ CƠ CHẾ ĐẶC BIỆT ĐỂ PHÁT TRIỂN VẬN TẢI VEN BIỂN

Sáng 14/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc phát triển logistics vận tải thủy và ven biển. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ sẽ đề xuất cơ chế đặc biệt để phát triển đội tàu sông pha biển. Theo Bộ trưởng, những năm qua, Bộ Giao thông Vận tải luôn quan tâm đến phát triển vận tải thủy và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy, để tận dụng lợi thế bờ biển dài của đất nước, hệ thống sông, kênh tự nhiên thuận lợi cho phát triển vận tải.

“Vừa qua, khi thực hiện quy hoạch 5 lĩnh vực giao thông vận tải, từ giai đoạn nghiên cứu, Bộ Giao thông Vận tải xác định vận tải thủy là một trong lĩnh vực trọng điểm của quốc gia. Vận tải thủy không chỉ đóng vai trò trung chuyển hàng hóa giữa các cảng thủy và còn kết nối với các cảng biển, cảng nội địa ICD (cảng cạn). Tuy vậy, đến nay vận tải thủy phát triển chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của đất nước; có sự chênh lệch lớn vận tải thủy phía Nam và phía Bắc”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt câu hỏi, tại sao hệ thống đường thủy phía Bắc và phía Nam có những điều kiện tương tự nhưng việc gom hàng xuất nhập khẩu bằng đường thủy ở phía Nam lại cao, đạt hơn 10%, còn phía Bắc mới chỉ 1,8%. Để tăng tỷ lệ này, cần phải có giải pháp, chính sách phát triển vận tải thủy và vận tải ven biển bằng tàu VR-SB (sông pha biển).

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giao thông vận tải mà của các ngành, địa phương.

Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cũng trực tiếp chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: đường thủy còn bị cản trở bởi tĩnh không cầu thấp. Việc đầu tư xây dựng cảng thủy ở các tuyến sông có đê rất khó khăn, phức tạp do quy định của pháp luật đê điều, chính sách đầu tư cảng thủy….

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, tuyến vận tải ven biển bằng tàu VR-SB là loại hình vận tải mà Bộ Giao thông Vận tải sẽ ưu tiên đặc biệt, tiếp tục thúc đẩy phát triển để khai thác thế mạnh của vận tải pha sông biển, ven biển bằng tàu VR-SB.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất cơ chế đặc biệt để phát triển đội tàu VR-SB. Các Cục: Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa và Đăng kiểm Việt Nam phải tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp để có những đề xuất, cải tiến quy định về phương tiện vận tải ven biển”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.

Báo cáo tại hội nghị, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thông tin, Việt Nam có 2.360 sông, kênh có tổng chiều dài khoảng 42.000 km với 9 hệ thống sông lớn đổ ra biển thông qua 120 cửa sông,. Tổng chiều dài đường thủy cả nước đang được quản lý khai thác hơn là 17.000 km.

Từ năm 2015 đến nay, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa, giúp cho vận tải thủy ngày càng có vai trò quan trọng đối với ngành giao thông vận tải. Hiện đã hình thành các 9 hành lang vận tải đường thủy kết nối với nhau và kết nối trực tiếp đến các cảng biển và tuyến vận tải ven biển bằng phương tiện VR-SB.

Ông Thu cho biết, vận tải đường thủy có ưu điểm về giá cước vận chuyển thấp, có độ an toàn cao và ít ảnh hưởng ô nhiễm môi trường. Hiện vận tải thủy chiếm khoảng 19% tổng lượng hàng hóa trong nước. Có nghĩa là 5 tấn hàng lưu thông thì có 1 tấn hàng được chuyển bằng đường thủy.

Cũng theo Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, đường thủy đang gặp nhiều tồn tại hạn chế, bất cập gây cản trở vận tải các tuyến vận tải thủy không đồng cấp, tồn tại các điểm nghẽn và các cầu có tĩnh không thấp như, cầu Đuống, cầu Bình Triệu cũ, cầu Đồng Nai cũ, cầu Sa Đéc…

Phương tiện thủy chủ yếu vẫn là phương tiện loại nhỏ, hoạt động trên tuyến ngắn, năng suất thấp, phương tiện chở hàng tên cả nước mới có 639 chiếc. Việc kết nối giữa vận tải đường thủy với các phương thức vận tải khác, nhất là đường bộ và cảng biển chưa thuận lợi.

Các doanh nghiệp vận tải thủy hầu hết là tư nhân, phát triển tự phát, manh mún, năng lực tài chính thấp và phương tiện cũ; chưa có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy vận tải hàng container bằng đường thủy nội địa.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong kinh doanh vận tải thủy là kết cấu hạ tầng luồng tuyến, cảng, bến thủy còn nhiều hạn chế, thiếu chính sách ưu đãi đầu tư phát triển.

Trong đó, theo ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội đại lý môi giới và dịch vụ hàng hải, một trong những khó khăn cho vận tải thủy là quy định của Hải Phòng và Tp. Hồ Chí Minh về thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển. Điều này làm tăng gánh nặng cho chủ hàng, không khuyến khích được vận tải thủy phát triển theo tinh thần của Chỉ thị số 37/CT-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển.

Theo TTXVN